Anh Bế Thanh Tuệ, người dân tộc Tày, ở thôn 1, xã Ea Tir, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk), đã gắn bó với công việc chế biến tinh dầu thiên nhiên gần 7 năm nay.
Anh Tuệ cho biết, những năm 2018, phong trào trồng sả lấy tinh dầu rất phát triển mạnh tại địa phương. Bởi đây là xã vùng sâu, đất đai khô cằn, rất khó phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày.
Nhận thấy cơ hội khởi nghiệp, anh Tuệ bắt đầu với cây sả. Lúc bấy giờ, trong túi anh Tuệ chỉ có 10 triệu đồng. Vậy nên, ban đầu anh thu mua tinh dầu thô, nhập lại mối sỉ để hưởng chênh lệch.
Sau thời gian mua đi bán lại, anh nhận thấy việc bán tinh dầu thô cho lợi nhuận không cao. Anh bắt tay chế biến tinh dầu thô thành nhiều sản phẩm khác như: Tinh dầu thơm phòng, tinh dầu xông, tinh dầu treo xe ô tô…
Anh Tuệ giới thiệu sản phẩm tinh dầu. Ảnh: Thanh Quỳnh
Ngoài sản phẩm từ tinh dầu sả, anh Tuệ còn nghiên cứu, phát triển thêm tinh dầu cam, xá xị (gù hương), tràm…
Anh Tuệ bán giá lẻ 650 nghìn đồng/lít tinh dầu sả chanh, 500 nghìn đồng/lít tinh dầu sả Java… Ngoài bán sỉ, anh Tuệ còn duy trì việc gom mua, bán số lượng lớn cho đối tác xuất khẩu sang nước ngoài.
Anh Tuệ cho biết, nhờ đa dạng hoá sản phẩm từ tinh dầu nên anh đã tiếp cận được nhiều khách hàng; giá bán cũng cao hơn so với bán sỉ. Hiện anh Tuệ đang thu mua tinh dầu của 10 hộ dân trên địa bàn.
Cũng xác định việc phát triển tinh dầu sẽ rộng mở đầu ra cho hạt dổi, từ năm 2024, anh Hoàng Xuân Thanh, ở thôn Cao Thắng, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), đã cho ra thị trường tinh dầu dổi.
Theo anh Thanh, anh đã có 20 năm gắn bó với cây dổi và cung cấp giống cây cho nhiều người trên khắp cả nước. Anh chia sẻ, hạt dổi có mùi thơm, vị cay, tính ấm, được sử dụng nhiều trong đông y. Tuy nhiên, trên thị trường hạt dổi chủ yếu bán hạt thô làm gia vị nên đầu ra khá hạn hẹp.
Trong khi đó, việc phát triển cây dổi đem lại nhiều giá trị như: Che bóng, chắn gió; thân cây làm gỗ; hạt dổi cũng bán được với giá dao động từ 40-80 nghìn đồng/kg.
“Chúng tôi đã chế biến hạt dổi thành tinh dầu phục vụ nhu cầu làm gia vị, mát xa, xông phòng, hỗ trợ say xe… Tôi cũng đang hoàn thiện quy trình xin cấp thẩm quyền đánh giá công nhận sản phẩm tinh dầu dổi theo tiêu chuẩn OCOP” - anh Thanh thông tin.
Sản phẩm tinh dầu dổi của anh Thanh đang được xem xét, đánh giá tiêu chuẩn OCOP. Ảnh: Thanh Quỳnh
Bà Trần Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kao (thành phố Buôn Ma Thuột) cho hay, người dân trên địa bàn trồng cây dổi từ năm 2017. Đến nay, toàn xã có hơn 10.000ha cây dổi, chủ yếu trồng xen canh.
Tuy nhiên, trên địa bàn chỉ có gia đình ông Thanh làm tinh dầu dổi. Việc này góp phần đa dạng sản phẩm, tạo thêm đầu ra cho hạt dổi.
"Địa phương đang hỗ trợ hộ ông Thanh hoàn thiện thủ tục để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP đối với tinh dầu dổi” - bà Xuân chia sẻ.